Chuyển tới nội dung

SỰ VẤP PHẠM – NGÀY 2

Chúng ta bước vào Ngày Thứ Hai của chủ đề SỰ VẤP PHẠM với câu hỏi “TỘI LỖI LÀ GÌ?”

Theo bạn, bạn nghĩ thì tội lỗi là gì? Vì sao chúng ta đều phạm tội?

Từ ngữ “tội lỗi” có ý nghĩa gì đối với bạn? Cho dù bạn đã từng ngồi xuống và ngẫm nghĩ về ý nghĩa của khái niệm này, hay bạn chưa một lần nghĩ về nó kể từ buổi học Trường Chúa Nhật gần nhất, thì chắc hẳn hầu như ai cũng sẽ có cho mình một định nghĩa khác nhau về tội lỗi. Một định nghĩa mà sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta sống, và cuối cùng là cách chúng ta nhìn biết Chúa.

Đối với nhiều người, Kinh Thánh được xem như một quyển sách luật lệ khổng lồ, mà những luật lệ đó cho dù có lỗi thời, kỳ quặc hay bất khả thi đến thế nào thì cũng phải tuân theo. Bạn phải tuân theo những luật lệ đó, và nếu bạn không làm, thì bạn phạm tội.

Xét theo ý nghĩa này, tội lỗi đơn giản là không tuân theo một trong những luật lệ được chép trong Kinh Thánh, vốn đến từ chính Đức Chúa Trời.

Vậy, Kinh Thánh có phải chủ yếu là một quyển sách luật hay không? Không hẳn như vậy. Tất nhiên, Kinh Thánh có chứa đựng những luật lệ. Chúng ta tìm thấy luật của Chúa trong Kinh Thánh, cùng những chỉ dẫn khác dạy chúng ta biết phải sống ra sao.

Nhưng đó không phải là mục đích đầy đủ của Kinh Thánh. Kinh Thánh trước hết là một quyển sách bày tỏ mục đích của Đức Chúa Trời đối với con dân của Ngài và cho cả thế giới. Chúa muốn con người yêu mến và vui thỏa trong Ngài, vì Ngài là nguồn duy nhất của sự sống và niềm vui cho chúng ta. Chúa muốn con người yêu thương lẫn nhau, và Ngài muốn chúng ta sử dụng sự sáng tạo của mình để khai phá và phục hồi vẻ đẹp của thế giới mà Ngài đã dựng nên.

Nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm thành ý muốn của Chúa? Khi chúng ta thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta nhận biết và ca tụng sự tốt lành cùng vinh hiển của Ngài. Đổi lại, chính chúng ta được đổ đầy sức lực và được biến đổi để giống với Ngài hơn. Nhưng nếu chúng ta thờ phượng hoặc trân quý một điều gì đó hay một ai đó hơn chính Chúa, thì hẳn sẽ có những hậu quả nghiêm trọng. Sự thờ phượng sai lệch này chính là sự thờ hình tượng khiến chúng ta bị hư mất. Việc thờ phượng một hình tượng nào đó sẽ nhào nặn chúng ta theo hình ảnh méo mó của nó, và rồi chúng ta sẽ phạm tội.

Tội lỗi không chỉ là làm điều không nên làm, hay không làm điều mà lẽ ra bạn phải làm, mà nó còn là thất bại trong việc đạt đến mục đích mà Chúa đã dành sẵn cho con người. Những mục đích ấy bao gồm việc thờ phượng và yêu mến Chúa; yêu thương lẫn nhau; và lấp đầy thế giới của Ngài bằng sức sống và sự sáng tạo.

Vậy, đứng trước câu hỏi “Tội lỗi là gì?”, chúng ta đã có câu trả lời: “TỘI LỖI LÀ YÊU BẤT CỨ ĐIỀU GÌ HƠN CHÚA, LÀ NHỮNG SUY NGHĨ, LỜI NÓI HOẶC HÀNH ĐỘNG NGƯỢC LẠI VỚI Ý MUỐN CỦA CHÚA DÀNH CHO CHÚNG TA.”

Hôm nay, hãy cùng dành một ít thời gian suy nghĩ về những điều đã ngăn trở bạn khỏi việc thờ phượng Chúa. Sau đó, hãy cầu xin Chúa giúp bạn học được cách thờ phượng Ngài một cách trọn vẹn hơn qua đời sống mình.

Lời Chúa có chép:

1. Anh em phải biết rõ rằng kẻ gian dâm, bất khiết, hay tham lam – tham lam là thờ thần tượng – không một ai được thừa hưởng cơ nghiệp trong vương quốc của Đấng Christ và của Đức Chúa Trời. – Ê-phê-sô 5:5 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)

2. Công việc của xác thịt thật rõ ràng, đó là: Gian dâm, ô uế, buông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, gây gổ, ghen ghét, giận dữ, ích kỷ, bất bình, phe đảng, ganh tị, say sưa, chè chén, và những việc tương tự khác. Tôi cảnh cáo anh em, như tôi đã từng cảnh cáo: Những ai làm các việc như thế sẽ không được hưởng vương quốc Đức Chúa Trời. – Ga-la-ti 5:19-21 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)

3. Đang lúc bị cám dỗ đừng ai nói: “Tôi bị Đức Chúa Trời cám dỗ”; vì Đức Chúa Trời không thể nào bị điều ác cám dỗ, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ bởi chính dục vọng mình lôi cuốn và quyến dụ. Rồi khi dục vọng đã cưu mang thì sinh ra tội lỗi; tội lỗi đã trưởng thành thì sinh ra sự chết.” – Gia-cơ 1:13-15 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)

4. Vậy, ai biết điều tốt cần phải làm mà không làm, thì phạm tội. – Gia-cơ 4:17 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)

Chúng ta cùng cầu nguyện:

Lạy Chúa yêu thương, cảm ơn Ngài vì qua sự chết của Chúa Cứu Thế Giê-xu mà chúng con được cứu chuộc khỏi tội lỗi. Chúng con biết rằng, xung quanh chúng con vẫn còn rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp vẫn chưa biết Chúa, và họ đang phải sống dưới ách của tội lỗi. Xin Chúa sử dụng cuộc đời chúng con, ban thêm năng lực, ban thêm sức mạnh và lòng dạn dĩ để chúng con sẵn sàng đi ra nói về Chúa cho họ. Hầu qua đó, nhiều người nghe đến Danh Ngài, tiếp nhận Ngài và Tin Lành sẽ mau chóng truyền đến tất cả mọi nơi trên đất nước Việt Nam. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men!

*A-men có nghĩa là: Muốn thật hết lòng/Thật như vậy!