Chúng ta bước vào Ngày Thứ Sáu của chủ đề HỘI THÁNH với câu hỏi “THÁNH LỄ LÀ GÌ?”
Hội Thánh kỷ niệm hai Thánh Lễ chính, đó là Lễ Báp-têm và Lễ Tiệc Thánh. Từ ngữ “Thánh Lễ” thực chất được Hội Thánh sử dụng để chỉ về cách thức mà Đức Chúa Trời và con người giữ mối liên hệ đặc biệt với nhau.
Lễ Báp-têm tượng trưng cho sự đồng chết và đồng sống lại trong Chúa Giê-xu. Chúng ta đã được chôn cùng với Chúa khi chúng ta được trầm xuống dòng nước, và chúng ta đồng sống lại với Chúa khi chúng ta trồi lên khỏi mặt nước. Sự kiện này cho thấy rằng chúng ta được dựng nên mới trong Đấng Christ và được trở nên một thành viên của Hội Thánh.
Lễ Tiệc Thánh không phải là một buổi Thánh Lễ đánh dấu sự khởi đầu trong niềm tin của người Cơ Đốc, nhưng là sự duy trì liên tục niềm tin đó trong đời sống chúng ta. Chính Chúa Giê-xu đã thiết lập buổi Thánh Lễ này không lâu trước khi Ngài chịu chết. Khi Ngài làm điều ấy, Ngài có ý muốn nhắc nhở về câu chuyện trong Xuất Ê-díp-tô Ký.
Trong bối cảnh của sách Xuất Ê-díp-tô Ký, khi Đức Chúa Trời sắp giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách nô lệ của người Ê-díp-tô, Ngài đã phán với dân sự rằng hãy làm thịt một con chiên, lấy huyết bôi lên khung cửa, và dùng món ăn ấy cùng bánh và rượu, để biểu trưng cho việc họ được giải cứu khỏi cái chết. Bữa ăn này được gọi là Lễ Vượt Qua. Vài ngày trước khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, Chúa dẫn các môn đồ đến một căn phòng cao, và rồi Ngài lấy bánh và chén mà đưa cho các môn đồ để tượng trưng cho chính thân và huyết của Ngài. Trong giờ phút đó, Ngài đã liên hệ sự hy sinh của Ngài với ý nghĩa của Lễ Vượt Qua.
Chúa Giê-xu đã phán rằng chính thân thể bị đóng đinh và huyết của Ngài sẽ là phương cách để họ được cứu khỏi tội lỗi và khỏi sự chia cách với Đức Chúa Trời. Nên khi chúng ta nhận lấy Lễ Tiệc Thánh, khi nhận bánh và chén tượng trưng cho thân và huyết của Chúa, là chúng ta đang nhận lãnh thành quả của sự chết và sự sống lại của Ngài. Chúng ta ăn và uống để tưởng nhớ hay công nhận sự cứu rỗi mà chính Chúa Giê-xu đã dành cho chúng ta.
Quay lại câu hỏi: “THÁNH LỄ LÀ GÌ?”, thì chúng ta biết “CÓ 2 THÁNH LỄ, ĐÓ LÀ LỄ BÁP-TÊM VÀ LỄ TIỆC THÁNH. NHỮNG THÁNH LỄ VỪA LÀ DẤU HIỆU VỪA LÀ ẤN CHỨNG CỦA ÂN ĐIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI. VÌ CHỈ BỞI ÂN ĐIỂN NÊN CHÚNG TA ĐƯỢC DỰ PHẦN TRONG NHỮNG THÁNH LỄ NÀY, ĐƯỢC CÙNG KINH NGHIỆM VỚI NHAU TRONG SỰ THỜ PHƯỢNG.”
Hãy dành một ít thời gian hôm nay để cảm tạ Chúa vì Ngài đã giải cứu bạn qua sự hy sinh của chính Con Một Ngài. Đó là ân điển mà chúng ta vẫn kinh nghiệm cùng nhau mỗi khi dự Lễ Tiệc Thánh.
“Khi nào anh em vào đất mà Đức Giê-hô-va sẽ ban cho, như lời Ngài đã hứa, thì hãy giữ lễ này. Khi con cháu anh em hỏi: ‘Lễ này nghĩa là gì?’ Hãy trả lời: ‘Ấy là lễ dâng sinh tế Vượt Qua của Đức Giê-hô-va. Vì khi hành hại người Ai Cập, Ngài đã vượt qua các nhà của dân Y-sơ-ra-ên và dung tha nhà chúng ta.’ Nghe xong, dân Y-sơ-ra-ên cúi đầu thờ phượng.” – Xuất Ê-díp-tô Ký 12:25-28a (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)
“Vì bởi đức tin trong Đấng Christ Giê-xu, tất cả anh em đều là con Đức Chúa Trời. Người nào trong anh em đã được báp-têm để thuộc về Đấng Christ đều mặc lấy Đấng Christ. Tại đây không còn phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp, người nô lệ hoặc người tự do, nam giới hay nữ giới, vì tất cả anh em đều là một trong Đấng Christ Giê-xu.” – Ga-la-ti 3:26-28 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)
“Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã dạy cho anh em: Ấy là trong đêm Chúa là Đức Chúa Giê-xu bị phản nộp, Ngài lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra và phán rằng: ‘Này là thân thể Ta vì các con mà phó cho, hãy làm điều này để nhớ đến Ta.’ Cùng một cách ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: ‘Chén này là giao ước mới trong huyết Ta; hễ khi nào các con uống, hãy làm điều này để nhớ Ta.’ Vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này, uống chén này thì rao giảng sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến.” – I Cô-rinh-tô 11:23-26 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010)
Chúng ta cùng cầu nguyện:
Lạy Chúa, chúng con biết ơn Chúa thật nhiều vì ân điển và tình yêu lớn lao mà Ngài dành cho đời sống của chúng con. Ngài đã cứu và đem chúng con lên một địa vị mới, trở nên con cái Ngài, được rửa sạch tội lỗi và được dự phần trong những Thánh Lễ. Xin Chúa thêm lên đức tin, giúp cho chúng con trung tín với những công tác Chúa giao phó và luôn ở trong mối liên hệ mật thiết với Ngài. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men!
*A-men có nghĩa là: Muốn thật hết lòng/Thật như vậy!
—
Cảm tạ Chúa đã dùng Ân Nhân và các Tình Nguyện Viên giúp đỡ để Loạt Bài Tĩnh Tâm được ra đời. Những bài học này được xây dựng nhằm giúp đỡ mỗi người có thời gian riêng tư với Chúa. Ngoài ra, tài liệu này còn có thể dùng như tài liệu tham khảo, nhằm giúp các nhóm nhỏ có thể học Kinh Thánh, thảo luận những câu hỏi với nhau.