Chuyển tới nội dung

NGÀY 7 – THÁNH LỄ BÁP-TÊM LÀ GÌ ?

Chúng ta bước vào Ngày Thứ Bảy của chủ đề HỘI THÁNH với câu hỏi “THÁNH LỄ BÁP-TÊM LÀ GÌ?” 

Trong lịch sử của Tin Lành, người ta rất hay nhầm lẫn và tranh luận về hai Thánh Lễ lớn của Hội Thánh, đó là Lễ Báp-têm và Lễ Tiệc Thánh. 

Ở thời đại trung cổ, người ta thường tưởng tượng rằng những Thánh Lễ sẽ có tác dụng như phép màu. Nếu bạn được làm Báp-têm thì bạn tất nhiên đã được cứu, mặc cho tấm lòng bạn lúc đó ra sao, những ý định của bạn có là gì, hoặc sự ăn năn có thật sự hiện hữu bên trong bạn hay không. 

Nhưng trong thế giới hiện đại của chúng ta, một vài Cơ Đốc Nhân đã từ chối sự biến đổi diệu kỳ của Lễ Báp-têm này và chọn đi theo một con đường khác để công bố rằng tất cả những gì quan trọng chính là tấm lòng. Thực tế, bạn không cần lo lắng về việc được làm phép Báp-têm hay không. Điều đó không quan trọng. 

Nhưng hai quan điểm cực đoan này có phải là những câu trả lời duy nhất? Chúng ta có phải chọn giữa phép màu và sự vô nghĩa không? 

Cách giải quyết phù hợp nhất cho Cơ Đốc Nhân trong những vấn đề này chính là xem lại Lời Chúa trong Kinh Thánh. Cả Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta biết rằng điều quan trọng là sự biến đổi trong tấm lòng của chúng ta. 

Nhưng Kinh Thánh cũng nói rằng Cơ Đốc Nhân nên nhận Báp-têm cho chính mình, không phải bởi phép màu của Thánh Lễ này, nhưng bởi vì đó là sự nhắc nhớ về mặt thuộc thể, là biểu hiện bên ngoài của mối liên hệ bên trong mà chúng ta có với Đức Chúa Trời. 

Các Thánh Lễ là những cách thức quan trọng để thể hiện mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời và con dân của Ngài. Vậy nên Lễ Báp-têm không phải là một phép màu nhưng cũng không phải là vô nghĩa. Thánh Lễ Báp-têm được chính Chúa truyền phải thực hiện để tượng trưng cho việc một người có tấm lòng chân thật, đã được đụng chạm bởi Chúa, bước vào một đời sống mới, là đời sống Cơ Đốc. Đây là một hành động của sự vâng lời và là một biểu tượng bên ngoài cho tất cả mọi người biết về những gì đã xảy ra bên trong tấm lòng của bạn. 

Vậy, đứng trước câu hỏi “THÁNH LỄ BÁP-TÊM LÀ GÌ?”, chúng ta biết rằng: “BÁP-TÊM LÀ HÀNH ĐỘNG DÌM MÌNH XUỐNG NƯỚC TRONG DANH ĐỨC CHÚA CHA, ĐỨC CHÚA CON VÀ ĐỨC THÁNH LINH. QUA THÁNH LỄ BÁP-TÊM, NGƯỜI TIN CHÚA CÔNG KHAI NIỀM TIN CỦA MÌNH, CÔNG KHAI SỰ HIỆP NHẤT VỚI CHÚA GIÊ-XU TRONG SỰ CHẾT, SỰ CHÔN CỦA BẢN NGÃ CŨ VÀ SỰ SỐNG LẠI CỦA CON NGƯỜI MỚI TRONG NGÀI.” 

Hãy dành một ít thời gian hôm nay để cảm tạ Chúa về sự ban cho Thánh Lễ Báp-têm. Nếu bạn vẫn chưa nhận Báp-têm hay bạn có những thắc mắc về việc mình có nên nhận Lễ Báp-têm hay không, hãy chia sẻ thắc mắc đó với những Cơ Đốc Nhân xung quanh để tìm câu trả lời nhé! 

Lời Chúa có chép: 

  1. “Vậy, bởi báp-têm, chúng ta đã được chôn vào trong sự chết với Ngài, để rồi như Đấng Christ nhờ vinh quang của Cha được sống lại từ cõi chết thể nào thì chúng ta cũng được sống trong đời mới thể ấy.” – Rô-ma 6:4 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010
  1. “Trước đây anh em có đôi người như vậy. Nhưng trong danh Chúa là Đức Chúa Giê-xu Christ và trong Thánh Linh của Đức Chúa Trời chúng ta, anh em đã được thanh tẩy, được thánh hóa và được xưng công chính.” – I Cô-rinh-tô 6:11 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010
  1. “Vì bởi đức tin trong Đấng Christ Giê-xu, tất cả anh em đều là con Đức Chúa Trời. Người nào trong anh em đã được báp-têm để thuộc về Đấng Christ đều mặc lấy Đấng Christ. Tại đây không còn phân biệt người Do Thái hay người Hy Lạp, người nô lệ hoặc người tự do, nam giới hay nữ giới, vì tất cả anh em đều là một trong Đấng Christ Giê-xu. Nếu anh em thuộc về Đấng Christ thì anh em là dòng dõi Áp-ra-ham, tức là những người thừa kế theo lời hứa.” – Ga-la-ti 3:26-29 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010
  1. “Vì nếu chúng ta đã được hiệp nhất với Ngài trong sự chết giống như sự chết của Ngài, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ được hiệp nhất với Ngài trong sự sống lại giống như sự sống lại của Ngài. Chúng ta biết rằng con người cũ của chúng ta đã cùng bị đóng đinh vào thập tự giá với Ngài, để con người tội lỗi bị tiêu diệt, và chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Vì ai đã chết thì được giải thoát khỏi tội lỗi. Nhưng nếu chúng ta đã cùng chết với Đấng Christ thì chúng ta tin rằng mình cũng sẽ cùng sống với Ngài. Chúng ta biết rằng Đấng Christ đã sống lại từ cõi chết thì sẽ không bao giờ chết nữa; sự chết không còn cai trị Ngài. Vì Ngài đã chết, là chết cho tội lỗi một lần đủ cả; nhưng Ngài sống, là sống cho Đức Chúa Trời. Vậy, anh em cũng phải kể mình đã chết đối với tội lỗi và đang sống cho Đức Chúa Trời trong Đấng Christ Giê-xu.” – Rô-ma 6:5-11 (Bản Truyền Thống Hiệu Đính 2010) 

 

Chúng ta cùng cầu nguyện: 

Cảm tạ Chúa vì Ngài cho chúng con có Thánh Lễ Báp-têm, để chúng con có thể công khai niềm tin và sự hiệp nhất với Ngài trong đời sống mới. Xin Chúa sử dụng đời sống chúng con như công cụ trong tay Ngài, hầu qua đời sống chúng con nhiều người biết về Chúa là Chúa của tình yêu và bằng lòng tiếp nhận Ngài là Cứu Chúa của đời sống mình. Trong danh Chúa Giê-xu. A-men!      

*A-men có nghĩa là: Muốn thật hết lòng/Thật như vậy! 

 

Cảm tạ Chúa đã dùng Ân Nhân và các Tình Nguyện Viên giúp đỡ để Loạt Bài Tĩnh Tâm được ra đời. Những bài học này được xây dựng nhằm giúp đỡ mỗi người có thời gian riêng tư với Chúa. Ngoài ra, tài liệu này còn có thể dùng như tài liệu tham khảo, nhằm giúp các nhóm nhỏ có thể học Kinh Thánh, thảo luận những câu hỏi với nhau. 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *